Đến Đâu Cũng Có Một Con Đường

Bảo Trì Xe Mới – Dầu Thắng và Dầu Hộp Số

21/07/2010 00:47

 HAO SMITH

Sống trên những xứ sở mênh mông của Bắc Mỹ, xe hơi là một phương tiện phổ thông, cần thiết như đôi chân của mỗi người. Đối với người khuyết tật, thì nó còn cần hơn cả đôi chân. Nhờ nó, họ có thể đi làm, hoặc đi chơi xa cả trăm, cả ngàn dặm, không thua kém một ai. Vì thế, săn sóc và bảo trì xe luôn luôn là một điều phải đạo, không khác gì …đạo vợ chồng! Lần trước chúng ta đã nói về 2 công tác căn bản: Thay nhớt máy (engine oil) và nước anti-freeze làm mát máy, cũng gọi là coolant. Hôm nay xin đề cập đến các thứ chất lỏng khác bên trong đầu máy.

DẦU THẮNG (Brake Fluid)

Cái thắng nằm gọn gàng ở dưới chân tài xế - vị thần hộ mệnh ngăn ngừa tai nạn, giúp chúng ta an toàn điều khiển chiếc xe đi tới nơi về tới chốn - hoạt động được là do luồng chất lỏng di chuyển trong hệ thống, gọi là dầu thắng. Có lẽ đây là thứ dầu bị “bóc lột sức lao động” nhiều nhất nhưng lại bị bỏ bê nhất. Theo lượng định của các nhà chuyên môn, nếu một người tài xế trung bình lăn bánh khoảng 10,000 dặm một năm thì đương sự sẽ đạp thắng khoảng 80,000 lần, trung bình 8 lần đạp thắng trong một dặm. Một người lái xe chưa kinh nghiệm có thể còn đạp thắng nhiều hơn. Trong khi đó, có tới một nửa số chủ nhân xe hơi nhỏ và xe vận tải hạng nhẹ tại Hoa Kỳ không hề nghĩ đến thay dầu thắng sau khi xe đã chạy hơn 10 năm. Đó là nguyên nhân số một dẫn đến những trường hợp cấp cứu xảy ra trên đường, theo nghiên cứu của cơ quan Car Care Council.

Bởi vì, dầu thắng không phải là một thứ chất lỏng tồn tại muôn năm. Nó lại không bão hòa được không khí hoặc hơi nước. Nếu để không khí hoặc hơi nước len vào, hiệu năng của dầu thắng sẽ kém đi ngay và sẽ làm giảm tác động của thắng. Nếu nhấn thắng mà bàn đạp lún xuống như đạp vào miếng bọt biển xốp, thì đúng là dầu lẫn bọt khí, triệu chứng của tình trạng “thắng không ăn”. Khi đó, cần phải “nặn” (bleed) cho khí thoát ra. 

Ngoài ra, các chất cặn đọng lại lâu ngày trong dầu thắng sẽ làm nghẹt những đầu “van”, làm rò những ống si lanh. . . bên trong hệ thống thắng, có thể đưa đến sự sửa chữa hoặc thay mới rất tốn kém.   Vậy tốt nhất là hãy thay dầu thắng, súc bình mổi khi xe chạy được 50,000 dặm, hoặc cứ 2 tới 3 năm 1 lần.

Thay dầu thắng là một công việc chúng ta có thể tự làm lấy. Tuy nhiên, nếu không tiện tay, thì cũng phải nhớ ngày giờ đưa ra cho thợ chuyên môn làm giúp Nhờ đó, chúng ta có thể yên trí điều khiển tay lái và ngăn ngừa những hậu họa tốn kém về sau.

DẦU HỘP SỐ (Transmission Fluid):

Dầu hộp số cần được thay đều đăn để hộp số luôn luôn hoạt động tốt. Như chúng ta đã biết, hộp số là bộ phận rất mắc tiền ở trong xe. Đã vậy sửa chữa lại khó khăn, phức tạp, thường là phải tốn tiền ngàn trở lên. Nếu bạn chịu khó bảo trì, thay dầu và thay bộ lọc đều đặn, thì cả đời chiếc xe cũng chưa tốn kém đến như thế. Đây là chưa kể sự tốn kém về thời gian và bao nỗi nhục nhằn khổ sở mỗi lần xe cộ trục trặc phải mang đi sửa.

Đa số những trục trặc về hộp số xảy ra là vì Overheat (tăng nhiệt). Nghe cái chữ Overheat là thấy hoảng. Lần trước chúng ta đã nói đến nước Coolant giúp giải nhiệt trong đầu máy. Sự giải nhiệt trong hoạt động của hộp số cũng cần thiết như vậy. Dầu giúp điều hòa sự di chuyển của các linh kiện trong hộp số, và hứng lấy nhiệt lượng phát sinh do sự ma sát của các linh kiện này. Cho đến một lúc nào đó, dầu trong hộp số bị cháy khét, tức là bị “ốc xít hóa”, mất đi tính trơn nhờn hữu dụng của nó và biến thành tro tàn màu nâu, đóng vẩy cùng khắp hệ thống, khiến bộ số tê liệt, xe nổ máy, cần gạt số có nhúc nhích mà chiếc xe không di chuyển theo ý muốn của nguời điều khiển nữa.

Vậy bao lâu thì phải thay dầu hộp số một lần? Nhiều chuyên gia bảo trì cho rằng nếu xe không phải “lao động nặng”, thì có thể thay dầu hộp số trong khoảng 40,000 tới 50,000 dặm. Đó là nói về xe mới. Xe từ 5 tuổi trở lên, thời điểm thay dầu hộp số phải thường xuyên hơn nữa. Ông Irv Gordon, một người sử dụng xe “ngoại hạng” với 3 triệu dặm đường trên chiếc Volvo đời 1966, tiết lộ ông thay dầu hộp số cứ mỗi 25,000 tới 30,000 dặm.

Hẹn gặp các bạn trong bài lần sau với đề tài dầu tay lái và các bộ lọc khí, lọc dầu.

 

 

 

Trở về

Search site