Đến Đâu Cũng Có Một Con Đường

Không chờ không phải người Việt

WESTMINSTER (NV) - Anh Tám cần đi “clean” răng. Chị Hồng cần khám tổng quát. Chị Thao phải “check up.” Ai cũng cần phải đến bác sĩ, và sự thật là, ai cũng phải... chờ bác sĩ.

Nỗi niềm “chờ bác sĩ” hàng giờ hàng tiếng hình như không chỉ là mối ưu hoài của một vài người, vài mươi người sống quanh khu phố Bolsa này, mà là của số đông, rất đông những bệnh nhân Việt Nam thích tìm đến với những lương y cùng giọng nói, cùng màu da, cùng màu tóc với mình. Tuy nhiên, hiện tượng này có thể có lý do của nó: Nhiều bệnh nhân lấy hẹn rồi không xuất hiện, khiến bác sĩ phải chất chồng nhiều cuộc hẹn bù lại, dẫn đến một vòng loanh quanh không lối thoát: chờ, chờ, và... chờ!


Hình minh họa. (Hình:Getty Images)

Chờ đợi như một thủ tục bắt buộc

 Anh Tám Nguyễn, cư dân Westminster, kể chuyện đi khám ở một phòng mạch nha sĩ ngay trong Little Saigon, một nha sĩ nổi tiếng và hành nghề lâu năm tại quận Cam.

Anh lấy hẹn trước một tuần. Ðúng ngày đúng giờ, anh đến ghi tên, làm hồ sơ và ngồi chờ.

Khoảng 15, 20 phút sau, anh phải hỏi, “Sắp đến chưa chị?”

“Chừng 30 phút thì họ gọi vào cho chụp hình răng. Chụp xong ra ngồi chờ tiếp,” anh Tám nói.

Chờ thêm chừng một tiếng rưỡi đến hai tiếng thì được gọi vào cho leo lên ghế bệnh nhân, để... chờ tiếp.

“Khi đã nằm trên ghế rồi thì chừng 15 phút sau mới bắt đầu có người tới làm răng, khám răng hay clean răng cho mình,” anh Tám mô tả một buổi đi khám răng đầy vẻ mệt mỏi.

“Anh có lấy hẹn không?” - “Thì đã lấy hẹn mà cũng phải chờ vậy đó!”

Rồi anh Tám Nguyễn tuôn một hơi, “Ðáng lý ra mình lấy hẹn thì phải khám đúng giờ chứ, nhưng thông thường cứ phải dôi ra ít nhất là một tiếng, thường thì một tiếng rưỡi đến hai tiếng. Mình phải sắp xếp thời gian công việc của mình rồi đi. Nhưng đi đến cứ phải chờ, chờ, chờ, cho ngồi nghe Thúy Nga hoài cũng phát mệt.”

Nhưng, không phải ở đâu cũng bị chờ lâu. Anh Tám Nguyễn cho biết, “Gia đình tôi đi chỗ Bác Sĩ Phạm Ðặng Long Cơ. Ði bác sĩ gia đình thì không đến nỗi. Hơn nữa tụi tôi không chọn lựa bác sĩ, ai khám cũng được nên cứ lấy hẹn, đúng giờ có mặt thì sẽ được khám đúng giờ. Ðương nhiên nếu 'walk-in' thì phải chịu chờ thôi.”

Nén bực mình vì bác sĩ nhiệt tình

Một bệnh nhân khác, là chị Thao Phạm, biểu lộ sự khó chịu khi phải chờ trong phòng mạch bác sĩ gia đình. “Ði bác sĩ gia đình rất bực mình,” chị nói. Bác sĩ gia đình của chị có văn phòng bên thành phố Garden Grove.

Chị Thao kể chị vẫn luôn lấy hẹn trước khi đi khám, “Khi mình gọi đến lấy hẹn, mình hẹn ngày giờ nào họ cũng chịu hết. Nhưng cứ đến là phải chờ.”

Chị thắc mắc, “Nếu ngày giờ mình hẹn đã đông người rồi thì họ kêu mình đổi đi, hay báo cho mình biết. Ðằng này họ đồng ý hết, rồi khi mình đến thì bắt mình chờ.”

Chị khẳng định, “Ði bác sĩ khám tổng quát bình thường thì không bao giờ tốn dưới một tiếng rưỡi.”

Tuy quả quyết là “rất bực mình,” chị Thao không hề có ý định đổi bác sĩ.

“Sở dĩ tôi chịu đựng là vì bác sĩ ở đây rất 'nice' và nhiệt tình,” chị Thoa nói. “Các nhân viên cũng dễ thương. Họ cũng biết nói 'sorry' khi thấy mình phải chờ lâu.”

“Thôi kệ, một năm đi có một đôi lần, biết sao bây giờ.” Chị Thoa kết luận.

 Ngán ngẩm bởi thái độ nhân viên tiếp tân

Chuyện chờ đợi chỉ là một, mà thái độ của người nhân viên tiếp tân cũng là thêm lý do bệnh nhân khó chịu với phòng mạch bác sĩ. Chị Hồng Nguyễn ở Garden Grove nói, chị “cảm thấy sợ quá chuyện đi bác sĩ!” - không vì chuyện chờ đợi mà phần nhiều rơi vào thái độ của nhân viên tiếp tân.

“Tôi nói thiệt, không biết mấy người trực 'front desk' văn phòng bác sĩ làm gì mà chảnh ghê vậy không biết.” Chị Hồng nhận xét.

Chị kể, lúc đầu gia đình chị chọn tổ hợp y tế, nhưng, “10 giờ phòng khám mở cửa, mình muốn được khám trước nên đến từ 9 giờ rưỡi để chờ, trong khi bác sĩ thì 11 giờ mới tới, cho nên không bao giờ chờ dưới hai tiếng cho một lần đi khám.” Chị Hồng nói về lý do chị không tiếp tục theo tổ hợp y tế này. Chị quyết định đổi sang một văn phòng khác, trong thành phố Westminster.

Tới đây, tuy không đến nỗi chờ hai tiếng, chị Hồng lại gặp trở ngại với thái độ của nhân viên đối với thời gian của người bệnh.

“Họ hẹn tôi chở con tôi đến chích ngừa lúc ba giờ rưỡi. Tôi chở con đến đúng giờ. Khi thấy gần bốn giờ mà con tôi vẫn chưa được gọi, tôi hỏi thì cô nhân viên nói, '4 giờ đâu mà 4 giờ, còn 10 phút nữa mới 4 giờ. Mới chờ có 20 phút làm gì dữ vậy?' Xong rồi mặt cổ hầm hầm. Khi ra về tôi chào cổ, cổ cũng không thèm mình luôn đó,” Chị Hồng vừa kể vừa lắc đầu lè lưỡi.

Còn về chuyện răng, miệng, chị Hồng Nguyễn chọn một nha sĩ trên đường Beach, cho con mình. Cũng rơi vào tình trạng không đúng giờ!

“Tôi hẹn chở con tôi đến làm răng. Ðến nơi, thấy có sẵn bốn đứa con nít khác đang đợi sẵn. Phải chờ thêm một tiếng mới tới lượt.”

Rồi một lần chị hẹn đến để nhờ nha sĩ ký vào tờ giấy khám răng để chị nộp vào trường cho con. “Ðến giờ hẹn tôi tới thì cô nhân viên bảo tôi chờ đi, 'nha sĩ đi ăn lunch rồi.'”

Nghe vậy chị hỏi, “Nha sĩ đi ăn lunch sao lại còn hẹn bệnh nhân tới?” Cô nhân viên xẵng giọng, “Thì chị chờ chút có gì mà không được?”

 Bác sĩ: Phải hẹn nhiều vì bệnh nhân hay bỏ

Chúng tôi thử tìm hiểu về tình trạng “chờ dài cổ” tại các phòng mạch bác sĩ, bằng cách hỏi Bác Sĩ Michael Ðào. Ông, và nhân viên trong tổ hợp, là một trong số rất ít người nhận trả lời phỏng vấn.

Một đại diện của tổ hợp đưa ra giả thiết, “Có lẽ do tên tuổi bác sĩ.” “Chờ Bác Sĩ Michael Ðào lâu hơn các bác sĩ khác gấp hai lần. Có điều, sau khi than phiền thì bệnh nhân được chính bác sĩ khám xong ai cũng vui như Tết.”

Thêm lý do khiến cho chuyện chờ đợi diễn ra như cơm bữa là “bệnh nhân hẹn xong rồi không đến, hoặc không đến đúng giờ nên phải cho bệnh nhân khác chen vào. Hoặc có người không hẹn mà đến thì phải chờ thôi.” Bác Sĩ Michael chia sẻ.

Một điều nữa mà Bác Sĩ Michael Ðào đề cập đến là “với văn phòng bác sĩ Mỹ, khi hẹn mà không đến thì bị phạt $30. Chuyện phạt này dường như ít xảy ra với văn phòng bác sĩ Việt Nam.”

 Ở đâu cũng vậy?

Một trong những lý do bệnh nhân chấp nhận chuyện chờ đợi hàng tiếng đồng hồ, là vì họ cho rằng không có phòng mạch nào khá hơn.

Anh Tám, người bị chờ ba đợt mỗi lần khám răng, hiểu rõ sự phiền hà khi phải chờ đợi nhưng vẫn không đổi phòng mạch. Anh nói thêm, “Chờ như vậy đâu chỉ mất thời gian của mỗi người đi khám, mà còn của cả cha mẹ, người thân đưa đón nữa.”

Tuy nhiên, anh vẫn tiếp tục đi khám răng ở cùng chỗ, vì, theo anh, “Tại thấy mất công quá! Nghe nói phải làm hồ sơ lại từ đầu. Hơn nữa đi khám răng thì một năm chỉ 1, 2 lần nên thôi cứ kệ luôn!”

Chị Thao, người ráng chờ vì bác sĩ “nhiệt tình,” cũng nêu thêm lý do ở đâu cũng vậy. Chị nói, “Tôi nghĩ đi đâu cũng vậy, chuyện chờ hình như đã là phổ biến lắm, lại thêm không biết nếu đổi chỗ khác thì có tìm được bác sĩ nhiệt tình như vậy không.”

Chị Hồng Nguyễn cũng buông xuôi, “Trước đây bực mình vì thời gian, công việc của mình cứ bị xáo trộn bởi chuyện chờ đợi bác sĩ nên hay phàn nàn. Bây giờ thấy sao chỗ nào cũng vậy nên thôi. Vả lại ai cũng nói đi bác sĩ Việt Nam là đồng nghĩa với chuyện đợi nên tôi nghĩ có lẽ đó là luật ở đây rồi. Thấy ai cũng chờ vậy mà mình cự nự hoài cũng kỳ.”

 Chẩn đoán “bệnh chờ”

 Một bác sĩ không mở phòng mạch tư cho rằng, “chờ đợi là một loại bệnh cần chẩn đoán,” và ông đưa ra nhận định của ông.

Bác sĩ Phạm Gia Cổn không mở phòng mạch mà làm việc cho một bệnh viện. Ông nói, “Giống như trong việc muốn trị bệnh thì cần phải định bệnh, muốn tìm ra giải pháp cho chuyện chờ đợi ở phòng khám bác sĩ cần tìm lý do tại sao phải chờ.”

Theo Bác Sĩ Cổn, lý do có thể là do hoặc bác sĩ tới trễ, hoặc nhân viên làm việc không hiệu quả, chậm chạp, và cho quá nhiều bệnh nhân lấy hẹn cùng lúc, tức điều hành không hợp lý, hoặc do chính bệnh nhân tới trễ. Mà một người trễ thì sẽ lôi theo tất cả những người khác đều bị trễ.

Trong các lý do trên, Bác Sĩ Cổn cho rằng “điều hành không hợp lý” là nguyên nhân chính dẫn đến việc bắt các bệnh nhân phải chờ đợi dài cổ ở các phòng khám.

Nhưng tại sao cả bác sĩ, nha sĩ, phòng khám, lẫn cả một vài bệnh nhân, xem thường sự chờ đợi của người khác? Bác Sĩ Cổn cho rằng, “Trong phạm vi y khoa, chữa bệnh như cứu hỏa, nên việc không tôn trọng giờ giấc không được áp dụng. Cái chính vẫn là do điều hành không hợp lý.”

Nguồn: www.nguoi-viet.com

Search site